Với dự định ban đầu chỉ là cuốn tự truyện chia sẻ kinh nghiệm cho các nhân viên của mình, nhưng vượt ra ngoài mong đợi, “Những năm tháng của tôi ở General Motors” của Alfred Sloan đã trở thành cuốn sách về quản trị hay nhất mọi thời đại nhờ những giá trị to lớn kết tinh trong đó, đặc biệt là kiến thức về việc tự lập kế hoạch chiến lược và xây dựng hệ thống, quản trị doanh nghiệp. Đây còn được coi là giáo trình không thể bỏ qua trong các trường kinh doanh.
Ra đời từ buổi bình minh của ngành công nghiệp xe hơi, General Motors cũng trải qua rất nhiều thăng trầm, khó khăn để vươn lên trở thành “người khổng lồ” với những thương hiệu xe hơi nổi tiếng thế giới như Chervolet, Cadillac, Buick, và tất cả đều ghi đậm dấu ấn của Alfred Sloan. Trong “Những năm tháng của tôi ở General Motors, Sloan đã mô tả sự nghiệp của ông một cách vô cùng chân thực, không khoa trương hay màu mè. Ông trình bày các suy nghĩ của mình, nhấn mạnh về việc quản trị, cách tổ chức và dẫn dắt một doanh nghiệp lớn, cũng như cách ông biến suy nghĩ thành hành động ra sao.

Bên ngoài, đây có vẻ là một cuốn tự truyện, và nhưng thực tế, nó là một chuỗi các nghiên cứu tình huống. Hơn nữa, bất chấp mục đích có vẻ mô phạm của nó, cuốn sách vô cùng sống động, dễ đọc, thú vị và nói về một con người đặc biệt. Bên cạnh những bài học có giá trị về quản trị kinh doanh, về tư duy và định hướng, thích ứng trong từng giai đoạn lịch sử thì cuốn sách còn chứa đựng những câu chuyện nhỏ đầy thú vị, góp phần khắc họa hình ảnh một doanh nhân có lúc bị nhìn nhận là người độc tài và ngoan cố, nhưng cũng đầy sự thấu hiểu và tôn trọng với người khác, đặc biệt là các nhân viên của mình. Đây là một trong những cuốn sách hiếm hoi thuyết phục được rất nhiều nhân vật xuất sắc, đến cả chuyên gia Peter Drucker và tỷ phú Bill Gates đều dành lời khen ngợi.
Sinh thời, doanh nhân vĩ đại này có một niềm tin quyết liệt rằng một CEO phải là người không có bạn bè trong công việc. Ông thậm chí còn dẫn chứng rằng cả Abraham Linclon lẫn Franklin D. Roosevelt, hai tổng thống tài năng trong lịch sử Hoa Kỳ đều không có bạn bè trong số các cộng sự và đồng nghiệp của mình. Mặc dù vạch ra bức tường cứng nhắc này cho bản thân mình nhưng thực tế, Sloan vẫn luôn “tập trung vào con người tới mức hào hiệp viễn vông”.
Một câu chuyện vô cùng thú vị về quá trình xuất bản cuốn sách này đã cho thấy điều đó. Cụ thể, Alfred Sloan đã hoàn thành bản thảo của cuốn sách này vào năm 1954 nhưng cuốn sách vẫn không được xuất bản cho đến tận 10 năm sau đó. Nguyên nhân được giải thích vì chính tác giả của nó từ chối xuất bản “cho đến khi tất cả các nhân vật được nhắc đến trong cuốn sách này nằm xuống”. Bằng một nguyên tắc quyết liệt và cứng rắn, ông nói: “Một quản lý không phê bình cấp dưới ở chốn đông người.Và một vài điều trong cuốn sách này có thể hiểu là lời phê bình”. Lúc đó, ông đã 80 tuổi và sức khỏe đã khá yếu, trong khi một số người của General Motors được đề cập trong sách vẫn còn sống, thậm chí còn trẻ hơn ông đến 15 tuổi. Đến mức biên tập viên của Sloan ở Doubleday đã phải quả quyết rằng: “Sloan, ông có thể không chờ được đến khi cuốn sách này xuất bản đấy”. Chính người này đã chủ động tìm đến gặp từng nhân vật còn sống, không trừ một ai, để nghe họ khẳng định rằng họ không cảm thấy “bị chỉ trích hay phê bình” chút nào và hối thúc Sloan xuất bản cuốn sách. Nhưng Sloan vẫn rất ngoan cố.“Nếu tôi không chờ được đến lúc đó thì anh hãy xuất bản nó sau khi tôi mất.” Và ông đã sống lâu hơn tất cả. Cho đến khi người cuối cùng được đề cập trong cuốn sách qua đời, Sloan mới cho phép xuất bản cuốn sách. Điều đó cho thấy, Sloan không phải là mẫu người hay thổ lộ tình cảm nhưng ông vẫn rất quan tâm đến mọi người, tập trung vào họ và hơn hết là tôn trọng họ.
Alfred Sloan luôn được nhắc đến như một nhà quản lý thành công, khôn ngoan và đầy lí trí khi dẫn dắt General Motors trở thành tập đoàn lớn nhất nhật thế giới, một vị trí mà nó đã nắm giữ nhiều năm sau khi ông qua đời. Ông không xây dựng cho mình một hình mẫu hoàn hảo. Cũng có một số lời phê bình rằng sự quá lí trí và tỉnh táo, khôn ngoan khiến nhà lãng đạo của General Motors không khác nào một nhà quân phiệt độc đoán, lạnh lùng và tham lam. Ông cũng luôn thẳng thắn và bình thản đón nhận mọi thứ khi nói rằng: “Nhân cách không thể thay thế cho những lời nhận định khách quan đúng đắn”. Tuy nhiên, quy mô của các hoạt động từ thiện của ông lại cho thấy rằng ông nhìn bản thân theo một cách khác – một người tài năng hơn và trách nhiệm hơn với cộng đồng, một người có quyền lực cũng như nghĩa vụ cho các hoạt động từ thiện.