Chạm vào tâm hồn Đà Lạt

Nếu phải chọn một nơi mà bạn có thể lạc bước vào nhiều quỹ đạo khác nhau của thời gian, không gian và cảm xúc, thì đó chính là Đà Lạt. Nếu bạn muốn chạm vào tâm hồn của Đà Lạt, hãy đến đây với tâm thế của một người đi tìm những hoài niệm, để lắng nghe giọt cà phê đen tí tách rơi trong quán Tùng, bước trên những bậc đá rêu phong của một căn biệt thự cổ trên đường Trần Hưng Đạo hay ngắm nhìn cây mai anh đào quen thuộc trên con dốc Minh Mạng (nay là Trương Công Định), và hơn thế nữa.
Điều khó nhất trên đời có lẽ là viết về những điều ta quá yêu và quá đỗi quen thuộc. Bởi lẽ, bạn sẽ khó tránh khỏi bối rối, không biết bắt đầu từ đâu. Tôi đã viết về Đà Lạt với cảm giác chơi vơi và có phần “ngợp thở” trong sự dâng trào của cảm xúc ấy. Với một thành phố phát triển du lịch lâu đời như Đà Lạt, bạn không khó để tìm thấy những kho thông tin, tư liệu khổng lồ trên mạng hoặc sách báo. Nhưng bạn đã bao giờ ngắm nhìn Đà Lạt ngày hôm qua và hôm nay, qua lăng kính của chính người Đà Lạt, hoặc những người đã yêu và xem nó như “quê hương tinh thần” của mình?

Đà Lạt từng là một chốn của tinh hoa, cái nôi của văn hóa, nghệ thuật và giáo dục toàn miền Nam. (Ảnh: internet)

Có thể nói, từ lúc người Pháp đặt những viên đá đầu tiên để xây dựng nên chốn nghỉ dưỡng cao cấp này từ năm 1893 cho đến nay, Đà Lạt chưa lúc nào thôi níu gọi bước chân lữ khách. Trải qua bao thăng trầm của thời gian và những đổi thay của lịch sử, “tâm hồn” của thành phố này vẫn còn vẹn nguyên trong từng con đường, góc phố, nhà thờ,  tron giai điệu của quán cà phê xưa cũ hay bức tường đá rêu xanh của những căn biệt thự cổ. Một số người hay nói, Đà Lạt là nơi mà những người đang hạnh phúc sẽ càng hạnh phúc hơn, còn người cô đơn đến đây sẽ cảm thấy “tận cùng của sự cô đơn”. Vì sao thành phố cao nguyên mộng mơ, hiền hòa này lại mang đến những  cảm xúc mãnh liệt đến như vậy? Có lẽ bởi cái tiết trời se lạnh miên man, cảnh vật như lặng yên chờ con người đánh thức, những câu chuyện tình lãng mạn quyện chặt vào khung cảnh hay những dấu tích lịch sử – cả vui lẫn buồn – vẫn còn vương lại đâu đó.
Một góc quang cảnh bên hồ Tuyền Lâm rất giống với các ngôi làng ở Châu Âu.

Trong vài năm trở lại đây, lượng khách du lịch đến Đà Lạt ngày càng đông, các khách sạn, home-stay kiểu mới càng nở rộ, các loại hình dịch vụ du lịch trở nên phong phú, đa dạng hơn. Cùng với đó là những luồng ý kiến trái chiều. Những người yêu Đà Lạt xưa cũ không khỏi nuối tiếc cho những rừng thông xanh đang ngày càng thưa thớt, quy hoạch đô thị khiến Đà Lạt không còn vẻ thoáng đạt, hoang sơ như trước, nhiều công trình cũ không được bảo trì đã trở nên xuống cấp. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn “tìm về một Đà Lạt cũ” giữa tấm áo mới mà thành phố này đang được khoác lên người, mọi thứ dường như vẫn còn vẹn nguyên.
Đà Lạt, thành phố của những hoài niệm.

Hãy cùng quay lại khoảng thời gian giai đoạn 1950 – 1955, Đà Lạt được chọn làm thủ đô của vùng tự trị riêng thuộc sáu tỉnh Tây Nguyên mang tên Hoàng Triều Cương Thổ (Domaine de la Couronne), lúc Đà Lạt vẫn còn hoang sơ với những công trình kiến trúc mang dấu ấn Pháp thuộc, xen lẫn những ngôi nhà gỗ theo kiến trúc bản địa với một sự tôn trọng tuyệt đối dành cho thiên nhiên. Thế nên, nhiều người vẫn còn quen gọi Đà Lạt là “đất vua”, dù chưa từng có triều đại này được khởi lập ở đó. Có thời gian, tất cả những người đến nhập cư, học tập hay du lịch tại Đà Lạt đều bắt buột phải có hộ chiếu riêng. Nơi đây là một chốn của tinh hoa, cái nôi của văn hóa, nghệ thuật và giáo dục toàn miền Nam. Trường Võ Bị Đà Lạt, trường Lycee Yersin hay Bùi Thị Xuân, những Tu viện với kiến trúc xưa cũ vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay. “Tiếc nuối” là một trong những từ được nhiều người Đà Lạt nói nhiều nhất khi nhìn lại quá khứ.
Phòng khách trong một căn biệt thự cổ của Đà Lạt

Ngoài cà phê Tùng, nơi chốn hẹn hò của nhiều văn nhân, nhạc sĩ thời bấy giờ thì Trường Cao Đẳng Sư Phạm, Ga tàu hỏa, Dinh Bảo Đại hay Biệt Điện Trần Lệ Xuân, Nhà thờ con gà, Nhà Thờ Các Dân Tộc Camly, Chủng viện Minh Hòa và những căn biệt thự cổ trên đường Trần Hưng Đạo cũng là một điểm gợi ý dành cho những người yêu Đà Lạt xưa. Ngày nay, một số biệt thự đã được sử dụng và cải tạo làm quán cà phê, nhà hàng… Tuy có nhiều thay đổi nhưng vẻ đẹp của từng đường nét kiến trúc Pháp, từng chiếc cầu thang gỗ, lò sưởi hay đồng hồ gỗ cỡ đại, những ô cửa sổ lớn và ban công đầy lãng mạn vẫn trường tồn cùng thời gian. Một gợi ý khác dành cho những người thích tìm hiểu về kiểu nhà gỗ điển hình của người dân Đà Lạt xưa là quán cà phê Home nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Quang Trung với tuổi đời hơn 70 năm. Khu vườn ngập tràn hoa, những bộ bàn ghế gỗ cũ kết hợp da và len, chiếc tivi thời xưa cho đến những món đồ nội thất đậm chất núi rừng Tây Nguyên sẽ được bạn ngược dòng thời gian trở lại những tháng năm cũ.
Hồ Tuyền Lâm, nơi gắn liền với nhiều kí ức đẹp về Đà Lạt

Hiện nay, những nhà vườn, nông trại được hình thành ngày càng nhiều, phục vụ cho nông nghiệp lẫn du lịch. Nhưng trong kí ức còn vương lại của người Đà Lạt, hình ảnh Đà Lạt gắn liền với nông nghiệp vẫn còn ít nhiều xa lạ. Đối với họ, Đà Lạt đẹp trong hoài niệm vẫn gắn liền với sự phong lưu, lịch lãm của những kiểu du lịch, giải trí và sinh hoạt hơi kiểu cách, nhã nhặn. Những chiếc xe Volkswagen cổ, hay còn gọi là xe “con cóc”, vẫn còn được trưng bày ở nhiều địa điểm hoặc duy trì trong các câu lạc bộ xe cổ của Đà Lạt, đến nay vẫn là hình ảnh biểu tượng cho cuộc sống phong lưu của thị dân Đà Lạt từ thời xưa.

Nói về du lịch Đà Lạt mà thiếu đi yếu tố con người thì quả là một thiếu sót lớn. Những làn sóng di dân khiến Đà Lạt trở thành nơi giao thoa của nhiều vùng văn hóa, nhưng cái “hồn” riêng, cái chất nhã nhặn, lịch sự rất riêng của người Đà Lạt thì không gì thay đổi. Hầu như người Đà Lạt không nói to tiếng, không ồ ạt và luôn có cách cư xử nhỏ nhẹ, từ tốn. Tất nhiên, chúng ta khái niệm “con người Đà Lạt” không còn thuần nhất như xưa, nhưng bạn sẽ không khó nhận ra cốt cách riêng của họ. Và đó cũng là một trong những điều khiến nhiều người dành cho vùng đất này tình cảm yêu mến đặc biệt. Người Đà Lạt cũng ý thức giữ gìn cốt cách của mình như một “di sản” riêng, thông qua sự tự hào khi nói về vùng đất này, hay nói về văn hóa ứng xử của họ.

Xe cổ Volkswagen, một đặc trưng của Đà Lạt. Ảnh chụp dàn xe cổ đưa dâu quanh bờ hồi trong một đám cưới cuối năm 2016.

Từ xưa đến nay, người Đà Lạt vẫn giữ thói quen chỉn chu trong cách ăn mặc. Phụ nữ buổi sáng sớm vẫn thong dong chải tóc, thoa son hoặc trang điểm nhẹ rồi mới bắt đầu một ngày mới. Hình ảnh phụ nữ Đà Lạt còn gắn liền với bộ kim móc và cuộn len, bất kể tuổi tác và công việc chính của họ là gì. Họ tranh thủ thời gian rỗi để hoàn thành chiếc áo, khăn choàng hay nón len cho mình, cho người thân hoặc bỏ mối cho các quầy hàng ngoài chợ. Cách đây chừng hai thập kỉ, khi nhịp sống đô thị và công nghiệp chưa phát triển mạnh mẽ, bạn sẽ rất dễ dàng để bắt gặp hình ảnh những cô hàng bánh mứt ngoài chợ cặm cụi đan len trong khi đợi khách, một cô nữ sinh tỉ mẩn với tác phẩm len điệu đà bên góc học tập, một người phụ nữ mang thai thảnh thơi ngồi móc những món đồ giữ ấm để chờ đợi thiên thần nhỏ chào đời. Thậm chí, ngay cả trong bệnh viện, bạn cũng có thể bắt gặp một phụ nữ vừa dưỡng bệnh vừa tận dụng thời gian với cuộn len, cây kim. Đó là hình ảnh rất đỗi dễ thương về cách người Đà Lạt, vốn được mặc định là “sống chậm”, tranh thủ thời gian theo cách rất đặc biệt của mình.
Tác giả bài viết bên trong ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn 70 năm, nay là cà phê Home.

Người Đà Lạt xưa thích mặc áo măng tô dài, đội nón bê rê hoặc nón len, choàng khăn và đi giày da hoặc bốt. Những cảm hứng thời trang này vẫn còn thể hiện khá rõ cho đến ngày nay. Kể cả trong những ngày nắng ráo, khi du khách đến với Đà Lạt có thể ăn mặc thật mát mẻ thì người dân phố núi vẫn giữ nguyên nếp ăn mặc đặc trưng của mình.
Tại Đà Lạt, làn sóng giao thoa và thay đổi đang diễn ra từng ngày, nhưng những giá trị cũ vẫn còn đó, len lỏi trong những góc sâu hơn và tinh tế hơn.
 
Ngô Nguyễn
(Bài viết đã được dịch và đăng trên Tạp chí The Guide, số tháng 2/2017)

45 Mạc Đĩnh Chi, Phường Đa Kao, Quận 1, Hồ Chí Minh - Mobile: (+84) 0987248040
Copyright © 2016 oMoeo